Nồi áp suất là đồ gia dụng nhà bếp không còn xa lạ đối với các gia đình. Sản phẩm này sẽ giúp chị em phụ nữ ninh hầm xương, gân, nấu cháo hay nấu chè đỗ cực nhanh; vừa tiết kiệm gas; tiết kiệm điện mà còn giữ lại rất nhiều dinh dưỡng có trong các loại thức ăn này. Nồi áp suất thường có thiết kế thêm van xả áp nhằm giảm áp suất trong nồi nhanh hơn và an toàn hơn. Tuy nhiên với những người lần đầu tiên sử dụng thường không tránh khỏi những bỡ ngỡ; không biết dùng nồi áp suất như nào cho đúng cách để tránh tình trạng bị nổ hay bỏng hơi. Hãy cùng TKT Maids tham khảo bài viết sau đây nhé!
NỘI DUNG
1. Nhận diện và phân loại nồi áp suất
Trước khi tìm hiểu cách dùng nồi áp suất; hãy cùng chúng tôi nhận diện và phân loại nồi áp suất.
Nồi áp suất với những ưu điểm lớn trong nấu nướng như giữ được các chất dinh dưỡng; ninh nhừ được thực phẩm và đặc biệt tiết kiệm thời gian và nhiên liệu nấu nướng đã ngày càng trở nên phổ biến và đa dạng.
Về cơ chế, nồi áp suất là loại nồi nấu có nắp đậy kín. Khi nấu, hơi trong nồi tăng cao nhưng không thoát ra ngoài được nên áp suất tăng lên; kéo theo nhiệt độ trong nồi tăng cao. Khi áp suất đến ngưỡng chịu đựng thì phải có một bộ phận là van hạ áp; hay còn gọi là xu-páp đảm bảo việc cân bằng áp suất. Nếu van xả có vấn đề thì rất dễ gây nổ khi có áp suất lớn. Nhiệt độ trong nồi áp suất lên tới 150oC.
Nồi áp suất được phân loại như sau:
1.1. Nồi áp suất truyền thống
Nồi ấp suất truyền thống được cấu tạo bằng thép không gỉ; hoặc nhôm có bộ phận điều chỉnh áp suất bằng van nhảy hoặc van quả tạ; chỉ có tính năng hầm; người nấu phải canh lửa, canh nước đang được thay thế bởi nồi áp suất điện.
Kích thước: Chỉ được phép nấu thức ăn với dung lượng không quá 2/3 nồi. Đối với những thực phẩm nổi nhiều bọt trong khi nấu như đậu… thì dung lượng được phép chỉ ½ nồi. Nồi gia đình thường chỉ từ 4-8 lit, thường sử dụng là 6 lit.
✨ Kết cấu và chất liệu
- Thường được làm bằng nhôm hoặc thép không gỉ. Nhôm có trọng lượng nhẹ nhưng thép không gỉ lại có độ bền cao hơn. Nồi làm bằng thép không gỉ có phần đáy dày nên được ưa thích hơn so với những vỏ nồi làm bằng nhôm hay đồng – những chất liệu có khả năng dẫn và giữ nhiệt tốt. Một số loại hiện đại có đáy nồi được làm bằng hợp kim có chứa Fe có thể nhiễm từ (Nên đun được trên bếp từ). Nồi áp suất có thể đun được trên bếp từ như một nồi áp suất điện đa năng vậy.
- Với những loại nồi có kích cỡ từ 6 lít trở lên; thường có hai tay cầm để nhấc nồi dễ dàng và an toàn hơn khi nồi đang nóng và đầy thức ăn.
- Nồi thường thiết kế khóa nắp nhằm tránh việc nắp nồi bị bật mở khi bạn đang giảm áp suất của nồi. Đây là yêu cầu kỹ thuật khá phổ biến trong các loại nồi áp suất hiện đại.
✨ Bộ phận điều chỉnh áp suất
Bộ phận điều chỉnh áp suất có công dụng hiển thị chính xác mức áp suất của nồi trong khi đang nấu. Thông thường, bộ phận này luôn hoạt động ổn định và được phân thành các loại van sau:
- Van nhảy: Van này thường được dùng cho những chiếc nồi có chế độ áp suất trung bình và cao. Van sẽ dịch chuyển đến một mức nhất định khi nồi có mức áp suất thấp và tiếp tục nhảy lên một mức mới khi đạt mức áp suất cao. Để báo hiệu sự thay đổi giữa hai mức áp suất; người ta thường thiết kế một đường kẻ hoặc đánh dấu bằng những màu sắc khác nhau ở mặt đồng hồ hiển thị mức áp suất trên nồi.
- Van quả tạ (hay còn gọi là van quả lắc): Bộ phận điều chỉnh áp suất này có hình dạng giống quả lắc nhỏ; được thiết kế nằm trên lỗ thoát hơi và sẽ bắt đầu đong đưa khi áp suất đạt đến mức được cài đặt sẵn trước đó. Ưu điểm của loại van này là có thể nhìn và nghe được tiếng van kêu khi áp suất đạt mức cần thiết; rất tiện lợi trong trường hợp bạn không thể liên tục trông chừng nồi đang nấu. Tuy nhiên, nhược điểm của chúng là dễ bị tắc nghẽn do thức ăn tràn vào qua lỗ thông hơi. Do đó, trước khi nấu, bạn cần kiểm tra và vệ sinh van thật kỹ.
- Van quả tạ kiểu mới: Loại van này được gắn vào lỗ thông hơi nhưng thay vì đong đưa như bình thường; chúng sẽ phun ra hơi nước từng hồi để duy trì mức áp suất ổn định trong nồi. Lúc hơi nước bắt đầu đẩy ra ngoài là thời điểm mức áp suất đã đạt yêu cầu.
1.2. Nồi áp suất điện
Kiểu nồi áp suất truyền thống chỉ có tính năng hầm; người nấu phải canh lửa, canh nước đang được thay thế bởi nồi áp suất điện. Không chỉ làm mềm thực phẩm nhanh chóng; nồi áp suất điện đa năng còn có thể nấu cháo, nấu cơm, canh, xúp, hấp cá…
Người nội trợ chỉ cần vài thao tác đơn giản và tiết kiệm được khoảng 1/4 thời gian so với nồi thông thường. Nồi áp suất điện có chế độ ngắt tự động nên trong thời gian đó; bạn vẫn có thể làm được nhiều việc khác. Nồi có dung tích 2,5 lít, 4 lít, 6 lít hay 8 lít. Chất liệu của nồi khá đa dạng: nhôm, inox, hợp kim đen…
Những lưu ý trong hướng dẫn cách sử dụng nồi áp suất điện
- Với nồi áp suất điện, không đặt nồi quá gần nguồn lửa hay nguồn nước; nhằm tránh tình trạng chập điện hay biến dạng các khớp nối.
- Khi nấu cần vặn nắp thật kỹ và kín theo đúng chiều. Lượng thực phẩm nấu chỉ nên chiếm khoảng 2/3 nồi trở lại. Với những thực phẩm có độ nở lớn, hay trào (như nấu cháo, hầm đậu); cần canh độ trào tối đa sao cho không chạm tới nắp để tránh bị bít van xả.
- Không nên để nồi rơi vào tình trạng cạn nước, cháy xém. Nhất thiết không được chiên, xào trong nồi áp suất điện
- Đọc kỹ hướng dẫn về cách đặt chế độ thời gian phù hợp với từng loại thực phẩm. Lưu ý, thời gian làm mềm thực phẩm bao gồm cả lúc nấu và thời gian chờ áp suất trong nồi giảm dần đến khi hết.
- Do vậy, tốt nhất nên để áp suất trong nồi giảm tự nhiên để bảo đảm thực phẩm mềm như ý muốn.
- Trong trường hợp cần mở nồi để bỏ thêm thực phẩm; luôn nhớ nhấn van xả cho đến khi hết hơi hoàn toàn.
- Luôn chùi rửa sạch sẽ nồi bằng vải mềm sau khi sử dụng; đặc biệt là phần các khớp nối, van để tránh gỉ sét hay nghẹt van.
Chúng ta nhận thấy rằng, cách dùng nồi áp suất điện khó hơn là loại truyền thống. Do đó càng cần lưu ý các vấn đề an toàn khi sử dụng.
2. Hướng dẫn cách sử dụng nồi áp suất an toàn
Đọc thật kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất!!!
2.1. Trước khi nấu
✨ Lượng thức ăn: Đặt thức ăn và đổ lượng chất lỏng cần thiết vào nồi; luôn sử dụng những chất lỏng có khả năng bốc hơi khi đun sôi như nước, súp, rượu, bia hoặc sữa.
- Mức độ để thức ăn vào nồi: Không bao giờ được để đầy thức ăn vào nồi.
- Thức ăn như rau, thịt, cá: không được để hơn ¾ nồi
- Ngũ cốc như gạo: không được để hơn 2/3 nồi
- Chất lỏng hay một số đậu khác như: xúp, đậu lăng, đậu Hà Lan: không được nhiều hơn 1/2 nồi.
✨ Kiểm tra khóa chốt và đặt nồi
- Trước khi sử dụng nên kiểm tra chốt khóa, thanh trượt; xem chúng có hoạt động tốt không, chúng có bị khóa hay thức ăn bám vào không. Nếu có bất kì vấn đề nào thì phải khắc phục; kiểm tra vòng đệm có đặt đúng vị trí chưa.
- Khi đậy nắp, đặt mũi tên của “tay nắm dưới” và thanh trượt của “tay nắm trên” sẽ xoay và khóa lại khi bạn xoay 2 tay nắm cùng phương với nhau (nằm trùng khớp lên nhau); khi nào nắp nồi không thể nhắc lên được là bạn đã làm đúng.
- Sau khi đậy nắp nồi, dùng một tay để nắm “tay nắm phụ”; tay kia nắm giữ 2 tay nắm còn lại. Không nên chỉ nắm “tay nắm trên” hoặc “tay nắm dưới” vì sẽ dễ làm hỏng nồi. Nên nắm giữ chắc chắn rồi nhấc nồi lên, không được kéo lê nồi.
✨ Đặt nồi lên bếp
- Nồi nên được đặt trên bếp gas cách chắc chắn. Khi đặt nồi trên bếp gas, cần đảm bảo ngọn lửa không bị tràn ra bên hông của nồi. Không được để ngọn lửa tiếp xúc trực tiếp vơi các tay nắm của nồi.
- Sử dụng nồi áp suất trên các mặt phẳng nhiệt có đường kính tương đương hoặc nhỏ hơn để tránh nguồn nhiệt có thể ảnh hưởng tới các tay nắm, dù chúng được làm bằng vật liệu chóng cháy.
2.2. Trong khi nấu nồi áp suất
Khi nung nóng, một lượng nhỏ hơi sẽ thoát ra ở vị trí “chốt chỉ thị nấu” ở giữa nắp nồi và ở chốt khóa (trước tay nắm chính). Ban đầu hơi sẽ thoát ra ở vị trí chốt khóa; sau đó chốt này sẽ tự động đóng lại, và sau một lát, khi áp suất trong nồi đủ mạnh nó sẽ đẩy chốt chỉ thị nấu lên và hơi sẽ thoát ra ở vị trí chốt chỉ thị nấu ở giữa nắp nồi.
Khi nấu cháo, thấy van an toàn thoát hơi nóng ra ngoài thì phải giảm lửa để tránh tình trạng cháo chảy từ từ ra ngoài. Lúc nấu thấy có hơi thoát ra từ nắp nồi và thân nồi nghĩa là nắp đậy chưa kín. Xoay nắp nồi ngược chiều kim đồng hồ, rồi từ từ vặn lại theo chiều đậy để thoát hết hơi. Kiểm tra vòng đệm cao su đúng khớp trước khi đậy kín và nấu. Khi nồi đã đạt đến mức áp suất cao; chú ý hạ ngay nhiệt độ của nồi xuống vì phần nhiệt độ còn lại có thể làm thức ăn chín quá mức cần thiết.
Loại nồi áp suất điện có hai hệ thống nấu: khi mức áp suất trong nồi tăng do nhiệt độ quá cao; hệ thống điều chỉnh nhiệt độ sẽ tự động chuyển sang chế độ nấu có nhiệt độ trung bình hoặc thấp. Còn với nồi đun bằng bếp gas, khi đã đạt đến mức áp suất cao; bạn cần kiểm tra và điều chỉnh chế độ nấu sang mức trung bình nhằm duy trì mức áp suất ổn định của nồi.
2.3. Khi nấu xong và xả hơi (quan trọng)
Khi nấu xong, nhấc van an toàn từ từ ra khỏi vị trí để xả bớt áp lực trong nồi. Sau một khoảng thời gian hãy mở nắp nồi. Lưu ý khi nắp nồi không còn bị áp lực bên trong làm gắn chặt vào thanh gài thì lúc đó hãy xoay nắp thật chậm để hơi nóng bên trong thoát ra.
Khi mở nắp nồi, bạn nên nghiêng sang một bên để tránh hơi nóng không bốc vào mặt.
☘ Một số cách làm giảm áp suất
Hãy sử dụng 1 trong 3 cách sau để làm giảm áp suất của nồi trước khi mở nắp:
✨ Giảm áp suất tự nhiên
- Đây là cách giảm áp suất phù hợp với các món thịt; những thức ăn tạo nhiều bọt khi nấu hoặc những món lỏng, có nhiều nước. Rất đơn giản, bạn chỉ cần để nồi nguội hoàn toàn, áp suất sẽ giảm theo một cách tự nhiên.
✨ Giảm áp suất bằng nước lạnh
- Là phương pháp nhanh nhất để làm giảm áp suất và là lựa chọn phù hợp khi nấu các loại rau, củ. Quá trình nấu nhanh chóng kết thúc sẽ tránh cho rau, củ không bị mềm nhũn, chín quá mức. Hãy đặt nồi áp suất vào bồn nước, giữ nồi nằm ở một góc xiên và cho nước chảy lên phần viền bên ngoài của nắp nồi sao cho nước chỉ chảy lên phần nắp. Tuyệt đối không được để nước chảy trực tiếp vào lỗ thông hơi hoặc phần van của nồi.
✨ Giảm áp suất nhanh chóng
- Phương pháp này rất hữu ích trong trường hợp bạn muốn cho thêm một số nguyên liệu vào món ăn; ví dụ như cho thêm rau vào sau khi đã hầm xong phần thịt… Các loại nồi áp suất hiện nay đều có thiết kế một loại van đặc biệt để sử dụng trong trường hợp muốn giảm nhanh áp suất. Bạn chỉ cần dùng một cái muỗng nhấn vào van là ngay lập tức áp suất sẽ giảm nhanh chóng. Cần chú ý là không sử dụng phương pháp này đối với những thức ăn nhiều nước hoặc có xu hướng nổi bọt trong quá trình nấu vì phần bọt sẽ gây bít van. Phương pháp này cũng không áp dụng đối với các món có thịt vì việc giảm áp suất nhanh chóng có thể làm thịt bị cứng lại.
2.4. Vệ sinh sau khi sử dụng
Thường xuyên vệ sinh van an toàn, ống xả để bảo đảm an toàn khi sử dụng nồi áp suất.
Bài viết đào tạo của công ty vệ sinh TKT Maids đưa ra những thông tin cơ bản nhất để hướng dẫn các sử dụng nồi áp suất đúng cách và an toàn. Rất mong những người giúp việc nhà có những thông tin tốt; bổ ích phục vụ công việc của mình tại nhà khách hàng một cách chuyên nghiệp và đúng cách.
3. Xem video hướng dẫn cách sử dụng nồi áp suất
3.1. Video hướng dẫn sử dụng nồi áp suất truyền thống
3.2. Video hướng dẫn sử dụng nồi áp suất điện
4. Xem thêm một số video về các thông tin hữu ích
4.1. Video gợi ý một số mẹo vặt hữu ích trong bếp
4.2. Video hướng dẫn bảo quản thực phẩm đúng cách
4.3. Video cách tỉa trái cây trang trí đẹp mắt
4.4. Video mẹo phòng ngừa muỗi đốt
028.66.830.931
Công ty tạp vụ vệ sinh TKT Maids®
Trụ sở: 161 Ung Văn Khiêm, Phường 25, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
Nguồn: Công ty Cung cấp Tạp vụ TKT Maids
Nguồn: Công ty Cung cấp Tạp vụ TKT Maids